Chửa ngoài dạ con

Với thai nghén bình thường, sau khi noãn thụ tinh, trở thành "trứng" sẽ được chuyển dần vào trong dạ con theo ống dẫn trứng. Thông thường, sự thụ tinh diễn ra ở 1/3 phía ngoài của ống dẫn trứng và trứng thụ tinh sẽ vừa di chuyển vào dạ con vừa phát triển thành phôi và phải vài ba ngày sau phôi mới vào đến buồng dạ con để "làm tổ" và phát triển tại đó. Nếu vì một lý do nào đó, phôi không chuyển được vào trong dạ con (thường gặp nhất là bị mắc lại trên đường di chuyển của ống dẫn trứng, dừng lại làm tổ, phát triển và lớn lên ngay tại đó). Lòng ống dẫn trứng chỉ nhỏ như cái tăm, không phù hợp với sự phát triển lớn dần lên của phôi thai và hậu quả tất nhiên sẽ xảy ra là khi phôi thai to đến một mức nào đó sẽ phá vỡ ống dẫn trứng giống như đường ống dẫn nước bị bục vỡ, gây chảy máu dữ dội trong ổ bụng, có thể làm người bệnh tử vong nhanh chóng. Để tránh tai biến nguy hiểm đó, cần phải phát hiện sớm tình trạng thai ngoài dạ con ngay từ khi nó chưa vỡ. Điều này không chỉ thầy thuốc cần biết mà bất cứ chị em nào cũng nên tìm hiểu để tránh được tai biến vỡ chửa ngoài dạ con (dù có được đưa đến bệnh viện cũng đã muộn, có khi không cứu vãn được).

 Các giai đoạn của chửa ngoài tử cung bị vỡ.
Những biểu hiện khi bị chửa ngoài dạ con?

- Trước hết, cũng giống như phụ nữ có thai khác, người phụ nữ chửa ngoài dạ con cũng có tình trạng mất kinh. Ở một phụ nữ đang có kinh nguyệt đều hàng tháng tự nhiên bị chậm đi vài ba ngày là phải nghĩ đến có thai và nếu chậm đã đến 5-7 ngày thì có thể 70-80% là có thai.

- Bên cạnh tình trạng mất kinh, cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu nghén như mệt mỏi, ăn uống kém, thèm ăn những thứ linh tinh (nhất là của chua), lợm giọng, buồn nôn hoặc nôn. Tuy nhiên không phải ai cũng có đầy đủ các triệu chứng đó.

- Ngoài hai triệu chứng có thai kể trên, người bị chửa ngoài dạ con thường đau âm ỉ một bên bụng dưới (bên phải hoặc bên trái vùng dưới rốn). Tính chất đau không thường xuyên, thỉnh thoảng thấy nhói lên một chút, có khi cũng chẳng gây khó chịu gì nhiều và dễ bị bỏ qua.

- Cùng với đau ở bụng dưới, người bị chửa ngoài dạ con còn thấy ra một chút máu ở cửa mình. Số lượng máu ra không nhiều, nếu đóng khăn vệ sinh theo dõi thì dễ phát hiện được. Trên khăn vệ sinh sẽ thấy dính một thứ máu đen (không đỏ tươi như trường hợp dọa sảy), có thể lợn cợn một vài hạt nhỏ như bã cà phê đi kèm. Đặc điểm ra máu này là do phôi “làm tổ” tại ống dẫn trứng khiến ống này dãn ra, ít nhiều bị tổn thương ở bên trong gây rỉ máu. Vì ở vị trí xa với âm đạo nên khi thấm được ra băng vệ sinh, máu đã đen lại và kèm theo những cục máu đông nhỏ li ti tạo nên.

Với người phụ nữ chỉ cần thấy chậm kinh, có hoặc không kèm theo tình trạng nghén, nếu thấy đau bụng và ra máu như đã mô tả thì cần phải đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Chính vì để tránh chửa ngoài tử cung cũng như những tai biến khác ở thời kỳ đầu thai nghén mà cán bộ y tế thường khuyên chị em phải đi khám thai sớm, ngay khi thấy chậm kinh trong vòng một - hai tuần lễ.

Tại cơ sở y tế, các thầy thuốc sẽ thăm khám cụ thể và thường cho làm hai xét nghiệm, đó là: thử thai bằng que thử nhúng vào nước tiểu và gửi đi xét nghiệm siêu âm. Với người chửa ngoài dạ con đã có dấu hiệu ra máu thì chắc chắn khi đó phôi thai đã làm tổ tại một vị trí nào đó và như vậy, nước tiểu của chị em này đã có chất hCG (chất có trong nước tiểu từ khi phôi bắt đầu làm tổ) làm cho que thử thai xuất hiện 2 vạch đỏ. Còn siêu âm lúc này thực ra không phải là để tìm khối thai nằm ở đâu mà để xác định trong dạ con không thấy hình ảnh thai và túi ối (còn túi ối đó lạc chỗ ở một nơi nào đó thì không dễ gì phát hiện được lúc quá sớm này). Tóm lại, nếu thầy thuốc thấy có những triệu chứng lúc khám lâm sàng, thấy phản ứng dương tính khi thử nước tiểu (có 2 vạch đỏ) và siêu âm không thấy túi ối ở trong dạ con thì có thể nghĩ nhiều đến chửa ngoài dạ con. Trong trường hợp này, nhất thiết người phụ nữ phải được vào bệnh viện làm một số xét nghiệm khác, theo dõi chặt chẽ và cuộc mổ có thể thực hiện sớm ngay khi chửa ngoài tử cung chưa bị vỡ (đây cũng là lúc có thể mổ bằng nội soi). Trong một số trường hợp, ở những cơ sở bệnh viện lớn còn có thể điều trị nội khoa bằng thuốc, không phải mổ.

BS. Phó Đức Nhuận