Điều trị viêm âm đạo

Viêm âm đạo là một bệnh phụ khoa rất thường gặp ở phụ nữ nhưng nguyên nhân gây viêm thì có nhiều loại mầm bệnh khác nhau. Viêm âm đạo có thể do các vi khuẩn thông thường loại hiếu khí (phát triển trong môi trường có ôxy) hoặc kỵ khí (chỉ phát triển khi môi trường thiếu ôxy), có thể do những vi khuẩn đặc hiệu như chlamydia trachomatis, vi khuẩn lậu (bệnh lây truyền theo đường tình dục), có thể do vi nấm, có thể do ký sinh trùng như trichomonas vaginalis (trùng roi)..., nên điều trị viêm âm đạo muốn có hiệu quả phải tìm đúng nguyên nhân gây bệnh để dùng đúng thuốc đặc trị. Do vậy, khi bị bệnh phải đến bác sĩ khám bệnh và kê đơn thuốc, thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ.

Bệnh viện âm đạo thường gặp có mấy loại sau:

- Viêm âm đạo do nấm Candida: Cũng là một chứng viêm nhiễm âm đạo thường gặp ở phụ nữ có thai, người mắc bệnh đái tháo đường, người đang sử dụng thuốc hormon nữ và nhất là ở những bệnh nhân dùng kháng sinh kéo dài. Đặc điểm của khí hư loại này là kèm theo ngứa, đau rát âm đạo ngoài, khí hư có màu sữa chua hoặc bã đậu. Điều trị cần rửa âm đạo kết hợp với đặt thuốc mỗi ngày một lần dùng liên tục 7 ngày, sau đó kiểm tra lại và kiên trì điều trị 1-2 đợt nữa để tránh tái phát.

 Ảnh minh họa. Ảnh: corbis

- Viêm âm đạo do trùng roi: khí hư có màu vàng và có mùi hôi, bộ phận âm đạo ngoài có cảm giác nóng rát, có thể kèm theo tiểu khó, hay gặp vào thời kỳ trước hoặc sau kỳ kinh nguyệt, vì vậy để điều trị trùng roi cần kiên trì, sau kinh nguyệt tiếp tục điều trị 2-3 đợt để phòng viêm âm đạo tái phát. Bạn tình cũng nên phối hợp điều trị để không bị truyền nhiễm tái phát khi giao hợp.

- Viêm âm đạo do nhiễm tạp khuẩn: Đặc điểm chủ yếu của bệnh này là dịch tiết âm đạo nhiều, có màu trắng xám, bạch đới hơi loãng, có mùi rất hôi và tanh, các loại vi khuẩn thường là những vi khuẩn yếm khí hỗn hợp. Việc điều trị cần dùng cả thuốc uống, rửa và thuốc đặt.

Những bệnh nhân viêm âm đạo lưu ý tránh quan hệ tình dục trong thời gian chữa bệnh hoặc sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm, vệ sinh thân thể sạch sẽ, quần lót, khăn tắm nên thay thường xuyên, cần sấy giặt, phơi nơi khô ráo, thoáng để tránh vi khuẩn lây nhiễm trở lại. Đồng thời có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

BS. Quốc Sang

Một số bệnh mạn tính và thai nghén – Kỳ II

Tiền sản giật

Được coi là 1 trong 4 bệnh huyết áp cao xảy ra trong thời gian có thai. 3 bệnh còn lại bao gồm: cao huyết áp thai nghén, cao huyết áp mạn tính, tiền sản giật xảy ra trên người có cao huyết áp mạn tính.

Nguyên nhân: trước đây tiền sản giật được gọi là nhiễm độc thai nghén, vì cho rằng do độc tố có trong máu của phụ nữ có thai. Giả thuyết này tuy không đúng nhưng các thầy thuốc vẫn chưa xác định được nguyên nhân đích thực mà chỉ có thể cho là: do thiếu máu đi tới tử cung; tổn thương các mạch máu; có vấn đề ở hệ miễn dịch; chế độ dinh dưỡng kém.

Các yếu tố nguy cơ: có tiền sử cá nhân hay gia đình bị tiền sản giật; có thai lần đầu hoặc có thai lần đầu với bạn tình mới; tuổi trên 35; béo phì; đa thai; có bệnh đái tháo đường khi có thai; tiền sử có một số bệnh từ rước khi có thai như: cao huyết áp mạn tính, đái tháo đường, bệnh thận hay bệnh lupus đều tăng nguy cơ bị tiền sản giật.

Khi đã được chẩn đoán là tiền sản giật, thầy thuốc cần đánh giá chức năng gan, thận, máu (đếm số lượng tiểu cầu) của người mẹ, sự phát triển của thai và cả lượng nước ối (bằng siêu âm). Hầu hết phụ nữ tiền sản giật có thể sinh con bình thường và lành mạnh, nhưng mức độ tiền sản giật càng nặng thì biến chứng càng  ễ xảy ra và sớm.

Những biến chứng có thể gặp: Giảm lưu lượng máu đến nhau thai làm cho thai bị suy dinh dưỡng, thiếu oxy và có thể bị nhẹ cân, chết trong tử cung hay khi sinh ra.

Nhau bong non: tức là bong khi thai chưa sinh ra, có thể gây tử vong cho thai. Hội chứng HELLP: gồm các dấu hiệu như tan huyết, enzyme gan tăng cao và giảm số lượng tiểu cầu. Hội chứng này phát triển nhanh và đe dọa sự an toàn cho cả thai và người mẹ, đặc biệt nguy hiểm ở chỗ có thể xảy ra khi chưa có các dấu hiệu hay triệu chứng tiền sản giật.

Sản giật: khi tiền sản giật không được kiểm soát tốt, các cơn giật xảy ra, với các triệu chứng nghiêm trọng như: nhức đầu nặng, rối loạn thị lực, không còn tỉnh táo, có khi hôn mê, tổn thương não và tử vong cho cả mẹ và thai.

 Thường xuyên kiểm tra huyết áp đề đề phòng tiền sản giật. Ảnh: Gettyimages

Điều trị:

Nghỉ ngơi tại giường càng nhiều càng tốt, tranh thủ thời gian để thai phát triển.

Dùng thuốc: do thầy thuốc chỉ định, thuốc corticosteroid giúp cho phổi của thai trưởng thành hơn chỉ sau 48 giờ. Dùng sunfat magiê tiêm tĩnh mạch để tăng lưu lượng máu tới nhau và ngăn ngừa cơn giật.

Gây chuyển dạ sớm, có khi cần mổ lấy thai vì sau sinh chỉ vài ngày huyết áp trở lại bình thường. Cách phòng ngừa tốt nhất là được quản lý thai nghén sớm và định kỳ, dùng đa sinh tố và một số chất dinh dưỡng bổ sung trong khi có thai.

Thiếu máu và thai nghén

Có nhiều thể thiếu máu với những nguyên nhân khác nhau và cũng ảnh hưởng khác nhau đến người mẹ và thai. Triệu chứng thường gặp nhất của mọi thể thiếu máu là cảm giác mệt nhọc vì cơ thể không nhận đủ oxy. Ngoài ra còn có thể có: da xanh, loét miệng và lưỡi, thở nhanh, ăn không ngon, tiêu chảy, tê bì hay đau nhói ở bàn tay, bàn chân, yếu cơ, tâm trí lú lẫn hay dễ quên.

Thiếu máu do thiếu sắt là bệnh thường gặp nhất trong số các nguyên nhân gây thiếu máu nhưng dễ chữa, xảy ra khi cơ thể thiếu chất sắt. Nồng độ sắt thấp trong máu có thể do 3 nguyên nhân: mất máu do bệnh hay do chấn thương, không nhận đủ sắt, không hấp thụ được chất sắt. Thiếu máu thiếu sắt cũng có thể xảy ra khi cơ thể có nhu cầu cao hơn về sắt, ví dụ như khi có thai.

Thiếu máu do thiếu sắt thể nhẹ thường không gây ra triệu chứng hay vấn đề gì nhưng thể nặng gây suy  hược và những vấn đề nghiêm trọng cho trẻ, phụ nữ có thai và có thể ảnh hưởng đến tim. Trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt có thể có tiếng thổi ở tim, chậm lớn và chậm phát triển chung. Trẻ còn có nguy cơ lớn hơn bị nhiễm độc chì, nhiễm khuẩn và có thể gây ra những vấn đề về hành vi. Với phụ nữ có thai thì có thể tăng  nguy cơ sinh non và sinh ra con nhẹ cân. Tim thiếu oxy nên phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến tim đập nhanh hay không đều, có cảm giác đau ngực, tim to ra và thậm chí suy tim.

Thiếu sắt là vấn đề dinh dưỡng thường gặp nhất và thiếu máu do thiếu sắt là thể bệnh phổ biến nhất, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh sản. Thiếu máu thiếu sắt trên thực tế ảnh hưởng đến nửa số phụ nữ có thai và cứ 5 phụ nữ ở độ tuổi sinh sản thì có 1 phụ nữ bị thiếu máu thiếu sắt.

Các nguyên nhân gây bệnh cũng thường chữa khỏi trong hầu hết số trường hợp. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thì lại có thể dẫn đến nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng.

Thiếu máu do thiếu vitamin: vitamin có ở hầu hết thực phẩm, nếu thiếu có thể phát sinh thiếu máu. Để tạo ra đủ số lượng tế bào máu lành mạnh, nhất là hồng cầu, tủy xương cần được cung cấp thường xuyên chất sắt, vitamin B12, folate và vitamin C có trong chế độ ăn. 

Phụ nữ có thai và cho con bú có sự gia tăng nhu cầu về folate, do đó cần loại trừ nhiều nguyên nhân khác gây giảm hấp thụ folate (bệnh đường ruột…). Không đáp ứng sự gia tăng nhu cầu này sẽ gây ra thiếu hụt folate và có thể dẫn đến khuyết tật bẩm sinh cho não và tủy sống của thai, vì vậy cần uống folic acid (dạng tổng hợp của folate) ngay từ khi chuẩn bị có thai. Khi có thai, vẫn cần bổ sung để tạo ra các tế bào máu và tế bào thần kinh có chất lượng.

Thiếu máu do thiếu vitamin thường diễn biến chậm, trong nhiều tháng hay nhiều năm. Các triệu chứng lúc đầu có thể không rõ ràng nhưng tăng dần theo mức độ nặng lên của bệnh

Bệnh thiếu máu có tính chất di truyền như bệnh thiếu máu hồng cầu liềm, bất thường ở huyết sắc tố bệnh mang tên S-C1, một số thể thiếu máu Thalassemia… sẽ tăng nguy cơ xảy ra sự cố khi có thai. Những phụ nữ thuộc về chủng tộc hay gia đình có nguy cơ cao bị những bệnh lý nói trên cần được làm xét nghiệm máu thường quy, để kiểm tra có huyết sắc tố bất thường ngay từ trước khi sinh. Lấy mẫu gai nhau hay chọc hút nước tiểu là những thăm dò có thể thực hiện để phát hiện bất thường về huyết sắc  tố ở thai.

Nhiễm khuẩn tiết niệu và thai nghén

Nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN) là khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang hay thận và sinh sôi nẩy nở gây nhiễm khuẩn cho toàn bộ hệ tiết niệu. NKTN có thể bắt đầu từ bất cứ vị trí nào của hệ tiết niệu, có thể phát triển thầm lặng hoặc chỉ tiểu rắt, tiểu buốt nên nhiều người nghĩ là bị viêm bàng quang hay viêm niệu đạo.

Tình trạng thai nghén làm tăng nguy cơ bị NKTN

Nồng độ progesterone cao trong khi có thai làm cho cơ niệu quản giãn, do đó niệu quản dài ra và khi tử cung lớn lên thì có thể chèn ép vào niệu quản làm cho dòng nước tiểu không lưu thông dễ dàng. Đến cuối kỳ thai nghén, đầu thai nhi lại đè vào bàng quang nên không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn mỗi khi tiểu càng làm cho dòng nước tiểu ứ đọng, khó lưu thông, tạo thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trước khi bị thải ra ngoài. Vì thế, phụ nữ có thai cần làm xét nghiệm nước tiểu xem có vi khuẩn ngay từ lần khám thai đầu tiên. Nếu thử lần đầu âm tính thì ít có nguy cơ bị NKTN sau này khi thai phát triển to hơn. Tỷ lệ NKTN ở phụ nữ có thai khoảng dưới 10% và cần được điều trị bằng kháng sinh; nếu không điều trị thì tỷ lệ phát triển thành viêm thận khi có thai có thể lên đến 30%.

Khi có thai bị NKTN, cần làm gì?

Nếu bị viêm bàng quang khi có thai hoặc có test dương tính với vi khuẩn đường niệu ngay lần khám thai đầu tiên thì cần điều trị bằng kháng sinh (KS) uống từ 7-10 ngày (một số KS vẫn an toàn khi có thai). KS sẽ có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng trong vài ngày nhưng vẫn cần điều trị đủ thời gian và liều lượng để hết vi khuẩn ở đường niệu. Sau khi điều trị, cần làm xét nghiệm lại để xem vi khuẩn đường niệu đã âm tính chưa. Cấy nước tiểu định kỳ tìm vi khuẩn trong suốt thời gian có thai để đảm bảo an toàn vì có khoảng 40% phụ nữ bị tái nhiễm. Nếu vẫn bị viêm bàng quang thì cần điều trị KS liều lượng nhỏ cho tới khi sinh để phòng ngừa tái phát. Nếu bị nhiễm khuẩn thận khi có thai cần nhập viện để dùng KS đường tĩnh mạch và đề phòng nguy cơ sinh non. Sau đó vẫn cần theo dõi nước tiểu và dùng KS dự phòng suốt kỳ thai ngén vì viêm thận có thể tái diễn.

Phòng tránh NKTN khi có thai: có thể hạn chế biến chứng NKTN bằng cách uống nhiều nước mỗi ngày, ít nhất 1,5 lít. Không nên nhịn đi tiểu và cố làm rỗng bàng quang mỗi khi tiểu. Rửa vùng hậu môn và sinh dục bằng xà phòng sau mỗi lần đi vệ sinh và quan hệ tình dục. Uống nước nam việt quất (cranberry) vì có thể làm giảm lượng vi khuẩn trong nước tiểu. Nếu có triệu chứng viêm bàng quang, cần gặp sớm thầy thuốc để được dùng KS. Không dùng thuốc xịt hay xà phòng mạnh ở vùng sinh dục. Dùng đồ lót làm bằng sợi bông cho dễ thấm nước và thoáng.

BS. Đào Xuân Dũng

Lợi ích của việc cho trẻ bú sớm sau sinh

 Nên cho trẻ bú sớm sau khi sinh.Ảnh: TL
Nếu mẹ sinh thường, có thể cho con bú ngay trong vòng 30 phút đến một giờ sau sinh. Mẹ sinh mổ, thời gian bắt đầu khoảng 6 giờ sau mổ sinh, vì mẹ phải hồi phục sau tác dụng của thuốc gây tê. Thường sau 6 giờ, nếu hậu phẫu ổn, người mẹ được chuyển phòng để nằm cạnh con và tập cho con bú. Con cần nằm cùng giường với mẹ. Sự tiếp xúc mẹ con có tác động tinh thần giúp người mẹ mau xuống sữa.

Rất nhiều trường hợp người mẹ thường chờ "sữa xuống" tức là 1-2 ngày sau sinh mới cho bú, ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ. Vì cho bú muộn, trẻ không nhận được sữa non. Trong đó có nhiều sinh tố A chống bệnh khô mắt, nhiều kháng thể giúp trẻ chống sự nhiễm khuẩn và dị ứng, giúp trẻ đỡ vàng da. Ngoài ra, cho trẻ bú muộn, sẽ làm chậm sự tiết sữa của mẹ. Động tác mút vú mẹ sẽ kích thích sự tiết oxytocin ở não mẹ. Đó là chất làm cho sữa trong vú chảy ra, đồng thời cũng có tác dụng làm co cơ tử cung giúp ngưng chảy máu sau sinh. Việc cho trẻ bú sớm sau sinh rất có lợi cho cả mẹ và con, tuy nhiên khi cho trẻ bú người mẹ cần lưu ý tư thế đúng như: Đầu và thân trẻ trên cùng một đường thẳng; Bụng trẻ áp sát bụng mẹ; Mặt trẻ đối diện với vú, môi đối diện với núm vú; Đỡ đầu, thân và mông trẻ.

Thời gian bú trung bình từ 5-20 phút. Nếu trẻ bú chậm thì cũng chỉ ngừng cho bú khi trẻ muốn ngừng, không ngừng sớm vì trẻ sẽ không nhận đủ sữa. Người mẹ nên thường xuyên cho bú và nên cho bú đêm, vì sữa xuống nhiều và nhanh hơn. Nên cho bú hết vú này rồi hãy cho bú sang vú kia. Không nên cho bú một nửa vú này rồi một nửa vú kia vì như vậy trẻ sẽ không nhận được sữa cuối. Sữa cuối giàu chất béo giúp trẻ mau lớn. Ngoài ra, lượng sữa còn tồn đọng trong vú sẽ ức chế, ngăn cản sự tạo sữa. Nếu trẻ bú không hết bầu sữa thì mẹ phải vắt hết sữa để tiếp tục tạo sữa.

Trường hợp mẹ mổ sau sinh, trong khi cho con bú, mẹ vẫn có thể sử dụng thuốc kháng sinh (ampicilin, amociline, cephalexin), thuốc giảm đau hạ sốt (paracetamol, aspirin) với liều bình thường mà không ảnh hưởng đến sự tiết sữa. Tuy nhiên, việc uống thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Tóm lại, cho con bú ngay sau khi sinh là rất quan trọng, quyết định sự thành công của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Cán bộ y tế cần tham vấn tốt cho những bà mẹ trẻ, nhất là các bà mẹ sinh con so, về cách cho con bú, cách bảo vệ nguồn sữa mẹ, cách xử trí khi gặp những khó khăn do núm vú, đau vú... Thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ y tế, chắc chắn các bà mẹ sẽ thành công khi nuôi con bằng sữa mẹ.

Bác sĩ Bùi Ngọc Mai

Phụ nữ dự định mang thai có cần uống sắt và acid folic?

Tôi năm nay 36 tuổi, đã có một con trai. Hiện vợ chồng tôi đang dự định sinh cháu thứ hai. Qua tìm hiểu thông tin tôi được biết là phụ nữ dự định mang thai nên bổ sung sắt và acid folic. Vậy xin báo tư vấn cho tôi có nên uống thuốc không và uống như thế nào. Xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Thị Hạnh (Đồng Nai)

Rau xanh thẫm chứa nhiều acid folic.

Để sinh ra được những đứa con khỏe mạnh, thông minh, người mẹ cần phải bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết từ trước khi mang thai bằng chế độ ăn uống hoặc thuốc. Nhiều khi đợi có thai mới bổ sung thì đã muộn, nhất là với acid folic thì lại càng phải bổ sung sớm từ trước khi có thai 3 tháng.

Acid folic hay còn gọi là vitamin B9 cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào của người, động vật, thực vật và cần thiết cho sự hình thành của tế bào máu. Nhu cầu acid folic đối với người bình thường là 180 - 200mcg/ngày, nhưng với phụ nữ mang thai tăng lên 400mcg/ngày để đáp ứng sự gia tăng của quá trình phân chia tế bào cũng như tăng kích thước của tử cung, cần cho sự tổng hợp nhân tế bào và protein, hình thành rau thai, tăng trưởng của bào thai và do tăng thải folat qua nước tiểu trong khi mang thai. Nếu bị thiếu acid folic trong khi mang thai thì bà mẹ có thể bị thiếu máu hồng cầu khổng lồ, nguy cơ sảy thai cao, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai và điều quan trọng nhất là sinh ra đứa con bị khuyết tật của ống thần kinh (nứt đốt sống, não úng thủy, thai vô sọ). Sự khuyết tật của ống thần kinh thường xảy ra vào ngày thứ 28 sau khi thụ thai. Do vậy phải bổ sung acid folic từ trước khi thụ thai mới có hiệu quả dự phòng khuyết tật ống thần kinh cho thai nhi, nồng độ acid folic phải bảo đảm đủ cao vào thời điểm thụ thai. Các nhà khoa học khuyến cáo tất cả phụ nữ dự định mang thai phải bắt đầu bổ sung đủ acid folic 3 tháng trước thời điểm dự định có thai bằng chế độ ăn uống các thực phẩm giàu acid folic hoặc uống thuốc.

Chị có thể ăn nhiều các loại thực phẩm giàu acid folic như: gan động vật (lợn, gà, bò), các loại rau lá màu xanh thẫm: rau muống, rau ngót, rau súp lơ xanh... hoặc bổ sung bằng dạng thuốc uống với liều 400mcg acid folic/ngày trước khi mang thai ít nhất là 3 tháng và uống kèm với viên sắt từ khi phát hiện có thai đến sau sinh 1 tháng. Nên chọn loại có chứa 60mg sắt nguyên tố và 400mcg acid folic. Chúc chị mạnh khỏe và sinh được cháu bé như mong muốn!

ThS. Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng quốc gia)

Một số bệnh mạn tính và thai nghén – Kỳ III

Bệnh đái tháo đường trong thời gian mang thai

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) trong thời gian mang thai là thể bệnh xảy ra khi có thai, với tỷ lệ khoảng 4% tổng số phụ nữ có thai, thường bắt đầu vào tháng thứ 5 - 6 của thai nghén (giữa tuần lễ thứ 24 - 28). Trong hầu hết các trường hợp, bệnh qua đi sau khi đã sinh con. Mức đường huyết cao trong máu, có hại cho cả mẹ và thai. Khi bị bệnh ĐTĐ, cơ thể không thể sử dụng được đường (glucoza) trong máu cũng như mức đường huyết trở nên cao hơn bình thường.

Những yếu tố nguy cơ phát triển bệnh ĐTĐ trong thời gian mang thai:

- Béo phì: chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) từ 30 trở lên.

- Tiền sử gia đình có bệnh ĐTĐ týp 2.

- Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên mới có thai.

- Nếu lần trước đã sinh con to (khoảng từ 3,7-4,5kg).

- Có cao huyết áp.

- Có yếu tố chủng tộc: ví dụ người Mỹ gốc Tây Ban Nha, gốc Phi, thổ dân Mỹ, người dân ở Đông hay Nam Á, ở các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương.

Việc chăm sóc trước sinh có ý nghĩa quan trọng với phụ nữ mang thai, nhất là với những phụ nữ đã có yếu tố nguy cơ bị bệnh ĐTĐ khi mang thai.

Bệnh ĐTĐ khi có thai cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho cả mẹ và con.

Nếu không được điều trị thì thai sẽ dễ có bệnh ngay khi sinh ra như có mức đường huyết thấp, vàng da hoặc có cân nặng hơn bình thường.

Sức khỏe của người mẹ cũng bị ảnh hưởng, có thể sinh khó hoặc phải mổ lấy thai nếu con quá to.

Người phụ nữ bị ĐTĐ khi có thai cần theo chế độ ăn do thầy thuốc yêu cầu chẳng hạn: kiêng đồ ngọt như: bánh ngọt, kẹo, kem... mà chỉ nên ăn những thứ có đường tự nhiên như hoa quả. Nếu thấy đói giữa các bữa ăn chính thì chỉ nên ăn hoa quả, cà rốt... đường có trong bánh mì, cơm, khoai tây và hoa quả tốt cho cả mẹ và con. Chế độ ăn cũng cần cân đối và mỗi bữa ăn, không nên ăn nhiều, chỉ vừa đủ cho sự tăng cân khi có thai, thầy thuốc sẽ có hướng dẫn cụ thể.

 Ảnh: Gettyimages.com
Vận động thân thể đều đặn, phù hợp với sức khỏe là cần thiết và an toàn cho cả mẹ và thai. Hãy bắt đầu tập vận động từ 5-10 phút trở lên, nếu thấy khỏe thì tăng lên 30 phút hoặc hơn cho mỗi buổi tập. Buổi tập càng dài thì mức đường huyết càng được kiểm soát tốt và luôn thử máu để kiểm tra mức đường huyết và cần dùng cả thuốc để giữ cho đường huyết ổn định. Cũng cần thận trọng với cường độ luyện tập: đừng tập quá nặng hoặc bị nóng quá, tùy theo tuổi tác, không nên để mạch nhanh quá 140 - 160 mỗi phút trong lúc luyện tập; nếu cảm thấy chóng mặt hoặc đau lưng hoặc đau ở đâu đó trong khi tập thì nên ngừng và báo cho thầy thuốc biết. Nếu có cơn co tử cung, ra máu âm đạo hoặc thấy ra nước ối thì cần đến bệnh viện ngay.

Xét nghiệm đường huyết đều đặn giúp cho thầy thuốc biết chế độ ăn và luyện tập có làm cho mức đường huyết ổn định không.

Phải mất vài tuần sau sinh thì bệnh ĐTĐ mới qua đi. Để biết chắc bệnh đã qua, sau sinh 1-2 tháng, thầy thuốc sẽ cho làm một xét nghiệm máu đặc biệt khác nữa. Ngay cả khi bệnh ĐTĐ đã lui sau sinh, việc vận động, theo dõi cân nặng và theo một chế độ ăn lành mạnh vẫn cần tiếp tục. Có như thế thì mới hy vọng không bị ĐTĐsau này.

Bệnh mụn giộp và thai nghén

Khi nào dễ bị nhiễm bệnh mụn giộp?

Khi hệ thống miễn dịch suy yếu, không thể chống đỡ có hiệu quả trước sự xâm nhập của virus. Khi hệ miễn dịch chưa trưởng thành: một số trường hợp, sự tiếp xúc với bệnh mụn giộp có thể đe dọa nghiêm trọng sức khỏe thai nhi và trẻ trong năm đầu tiên.

Lây nhiễm virus mụn giộp khi mang thai và khi sinh: những nguy cơ lây nhiễm cho mẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời điểm người mẹ bị nhiễm virus lần đầu, tần suất các đợt bùng phát, người phụ nữ mang thai có biết mình đã nhiễm virus mụn giộp hay không vì có khi không thấy biểu hiện gì.

Nếu người phụ nữ tiếp xúc lần đầu với virus mụn giộp từ trước khi có thai: trong trường hợp này, nguy cơ thai bị nhiễm virus thực sự đáng ngại. Có thể hạn chế được nguy cơ nếu thầy thuốc sản khoa biết rõ tiền sử bệnh của cha mẹ, để có các biện pháp phòng ngừa và điều trị cần thiết ngay từ khi có thai và khi chuyển dạ. Cũng có khi cần chỉ định mổ lấy thai.

Nếu người phụ nữ tiếp xúc lần đầu với virus mụn giộp trong thời gian mang thai: dù rất hiếm nhưng trong trường hợp này thì nguy cơ lây nhiễm cho con khi chuyển dạ rất lớn và có thể nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh. Cần nhận biết đợt bùng phát đầu tiên khi đang mang thai để báo cho thầy thuốc biết. Thực hành mọi biện pháp thận trọng khi sinh và trẻ sơ sinh có thể phải được điều trị ngay từ khi sinh ra.

Nếu không bao giờ có đợt bùng phát mụn giộp: cũng chưa thể loại trừ nguy cơ, vì một số người tuy đã bị nhiễm virus mụn giộp nhưng không bao giờ bộc lộ triệu chứng. Vẫn có những đợt virus phát tán nhưng không có dấu hiệu nào; dù không có triệu chứng nhưng nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con vẫn có thể xảy ra. Trẻ sơ sinh có tổn thương của bệnh mụn giộp có nghĩa là mẹ đã bị mụn giộp sinh dục. Chẩn đoán trẻ sơ sinh bị bệnh mụn giộp được tiến hành rất nhanh và trẻ cần được điều trị ngay.

Làm thế nào để giảm nguy cơ lây nhiễm khi đang mang thai?

Nếu như đã có những đợt bùng phát bệnh mụn giộp ở vợ và chồng: cần để ý và báo cho thầy thuốc mọi hiện tượng đau dù ít ở cơ quan sinh dục (ngứa, cảm giác bỏng rát, nhoi nhói như kim châm, hay chỉ thấy khó chịu nhưng dễ tái diễn). Ngừng quan hệ tình dục trong thời gian có bùng phát, nhất là theo đường miệng nếu một trong 2 bạn tình có nốt ngứa nghi ngờ.

Nếu không bao giờ có đợt bùng phát ở cặp vợ chồng: nên nhớ rằng luôn có nguy cơ ngay dù 1 trong 2 người không bao giờ có biểu hiện bị mụn giộp sinh dục. Khi không có tiền sử và/hoặc không có dấu hiệu mụn giộp sinh dục cũng chưa thể yên tâm, vì ngày nay chưa có các phương tiện phát hiện bệnh có hiệu quả. Cách phòng ngừa duy nhất để ngăn chặn sự lây nhiễm virus có thể xảy ra là dùng bao cao su khi quan hệ tình dục trong 2 tháng cuối của thai nghén.

Cách nhận biết đợt bùng phát bệnh mụn giộp? Dù thai nghén ở giai đoạn nào mà thấy ngứa, bỏng rát, cảm giác nhoi nhói như kim châm ở vùng âm hộ và âm đạo cũng cần gặp bác sĩ. Vùng nhiễm khuẩn có màu đỏ, sau đó xuất hiện các mụn nước nhỏ tụ thành đám. Chính những mụn nước này chứa đầy virus khi vỡ ra sẽ tạo nên tổn thương hở, đôi khi rất đau. Sau khoảng 10 ngày mới lành sẹo, tạo thành vẩy và bong. Mọi dấu hiệu này có thể kèm theo với sốt, đau lưng, nhức đầu và đau bụng.

Khi có đợt bùng phát mới, khi có các tổn thương đau, dễ kích thích hay khi chỉ khó chịu ở cơ quan sinh dục cần gặp ngay thầy thuốc?

Giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sau khi sinh

Vài tháng đầu sau khi sinh, trẻ rất dễ bị bệnh vì hệ miễn dịch còn non trẻ, chưa có khả năng chống lại một số bệnh. Ở giai đoạn này, lây nhiễm virus mụn giộp có thể xảy ra khi người lớn bị chốc mép hôn hít trẻ và hậu quả có thể nghiêm trọng với trẻ. Khi trong tiền sử ở bố mẹ có mắc bệnh mụn giộp, cần báo cho thầy thuốc để có các biện pháp phòng ngừa đặc biệt cho trẻ.

Vệ sinh cho trẻ cần được tăng cường: tiếp xúc với trẻ phải rửa tay sạch, khăn, tã của trẻ phải để riêng, tuyệt đối không hôn hít trẻ khi có chốc mép. Gặp thầy thuốc ngay khi trẻ có những mụn nước trong trên da, khi mắt trẻ đỏ và khóc nhiều, bỏ bú, ngủ cả khi tắm hay khi ăn, dễ kích thích… Có khi sốt kéo dài và co giật.

Trẻ sơ sinh nhiễm HSV

Nhiễm HSV ở trẻ sơ sinh hiếm nhưng nghiêm trọng, do lây truyền dọc HSV (virus gây mụn giộp) từ mẹ sang con. Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm HSV từ mẹ khoảng 3,61 cho 100.000 trường hợp sinh ra sống ở Úc (tương tự ở Anh, nhưng thấp hơn nhiều ở Mỹ). Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh nhiễm HSV cao (tới 25%) mặc dầu hiện nay đã có thuốc chống virus. Nguyên nhân tử vong ở trẻ sơ sinh là do HSV lan tràn khắp cơ thể và/hoặc do HSV gây viêm não.

BS. Đào Xuân Dũng

Chửa ngoài dạ con

Với thai nghén bình thường, sau khi noãn thụ tinh, trở thành "trứng" sẽ được chuyển dần vào trong dạ con theo ống dẫn trứng. Thông thường, sự thụ tinh diễn ra ở 1/3 phía ngoài của ống dẫn trứng và trứng thụ tinh sẽ vừa di chuyển vào dạ con vừa phát triển thành phôi và phải vài ba ngày sau phôi mới vào đến buồng dạ con để "làm tổ" và phát triển tại đó. Nếu vì một lý do nào đó, phôi không chuyển được vào trong dạ con (thường gặp nhất là bị mắc lại trên đường di chuyển của ống dẫn trứng, dừng lại làm tổ, phát triển và lớn lên ngay tại đó). Lòng ống dẫn trứng chỉ nhỏ như cái tăm, không phù hợp với sự phát triển lớn dần lên của phôi thai và hậu quả tất nhiên sẽ xảy ra là khi phôi thai to đến một mức nào đó sẽ phá vỡ ống dẫn trứng giống như đường ống dẫn nước bị bục vỡ, gây chảy máu dữ dội trong ổ bụng, có thể làm người bệnh tử vong nhanh chóng. Để tránh tai biến nguy hiểm đó, cần phải phát hiện sớm tình trạng thai ngoài dạ con ngay từ khi nó chưa vỡ. Điều này không chỉ thầy thuốc cần biết mà bất cứ chị em nào cũng nên tìm hiểu để tránh được tai biến vỡ chửa ngoài dạ con (dù có được đưa đến bệnh viện cũng đã muộn, có khi không cứu vãn được).

 Các giai đoạn của chửa ngoài tử cung bị vỡ.
Những biểu hiện khi bị chửa ngoài dạ con?

- Trước hết, cũng giống như phụ nữ có thai khác, người phụ nữ chửa ngoài dạ con cũng có tình trạng mất kinh. Ở một phụ nữ đang có kinh nguyệt đều hàng tháng tự nhiên bị chậm đi vài ba ngày là phải nghĩ đến có thai và nếu chậm đã đến 5-7 ngày thì có thể 70-80% là có thai.

- Bên cạnh tình trạng mất kinh, cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu nghén như mệt mỏi, ăn uống kém, thèm ăn những thứ linh tinh (nhất là của chua), lợm giọng, buồn nôn hoặc nôn. Tuy nhiên không phải ai cũng có đầy đủ các triệu chứng đó.

- Ngoài hai triệu chứng có thai kể trên, người bị chửa ngoài dạ con thường đau âm ỉ một bên bụng dưới (bên phải hoặc bên trái vùng dưới rốn). Tính chất đau không thường xuyên, thỉnh thoảng thấy nhói lên một chút, có khi cũng chẳng gây khó chịu gì nhiều và dễ bị bỏ qua.

- Cùng với đau ở bụng dưới, người bị chửa ngoài dạ con còn thấy ra một chút máu ở cửa mình. Số lượng máu ra không nhiều, nếu đóng khăn vệ sinh theo dõi thì dễ phát hiện được. Trên khăn vệ sinh sẽ thấy dính một thứ máu đen (không đỏ tươi như trường hợp dọa sảy), có thể lợn cợn một vài hạt nhỏ như bã cà phê đi kèm. Đặc điểm ra máu này là do phôi “làm tổ” tại ống dẫn trứng khiến ống này dãn ra, ít nhiều bị tổn thương ở bên trong gây rỉ máu. Vì ở vị trí xa với âm đạo nên khi thấm được ra băng vệ sinh, máu đã đen lại và kèm theo những cục máu đông nhỏ li ti tạo nên.

Với người phụ nữ chỉ cần thấy chậm kinh, có hoặc không kèm theo tình trạng nghén, nếu thấy đau bụng và ra máu như đã mô tả thì cần phải đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Chính vì để tránh chửa ngoài tử cung cũng như những tai biến khác ở thời kỳ đầu thai nghén mà cán bộ y tế thường khuyên chị em phải đi khám thai sớm, ngay khi thấy chậm kinh trong vòng một - hai tuần lễ.

Tại cơ sở y tế, các thầy thuốc sẽ thăm khám cụ thể và thường cho làm hai xét nghiệm, đó là: thử thai bằng que thử nhúng vào nước tiểu và gửi đi xét nghiệm siêu âm. Với người chửa ngoài dạ con đã có dấu hiệu ra máu thì chắc chắn khi đó phôi thai đã làm tổ tại một vị trí nào đó và như vậy, nước tiểu của chị em này đã có chất hCG (chất có trong nước tiểu từ khi phôi bắt đầu làm tổ) làm cho que thử thai xuất hiện 2 vạch đỏ. Còn siêu âm lúc này thực ra không phải là để tìm khối thai nằm ở đâu mà để xác định trong dạ con không thấy hình ảnh thai và túi ối (còn túi ối đó lạc chỗ ở một nơi nào đó thì không dễ gì phát hiện được lúc quá sớm này). Tóm lại, nếu thầy thuốc thấy có những triệu chứng lúc khám lâm sàng, thấy phản ứng dương tính khi thử nước tiểu (có 2 vạch đỏ) và siêu âm không thấy túi ối ở trong dạ con thì có thể nghĩ nhiều đến chửa ngoài dạ con. Trong trường hợp này, nhất thiết người phụ nữ phải được vào bệnh viện làm một số xét nghiệm khác, theo dõi chặt chẽ và cuộc mổ có thể thực hiện sớm ngay khi chửa ngoài tử cung chưa bị vỡ (đây cũng là lúc có thể mổ bằng nội soi). Trong một số trường hợp, ở những cơ sở bệnh viện lớn còn có thể điều trị nội khoa bằng thuốc, không phải mổ.

BS. Phó Đức Nhuận

Sảy thai liên tiếp

Có nhiều bà mẹ khấp khởi vì mình mang thai nhưng rồi thai lại sảy liên tục. Trong 1000 phụ nữ mang hai có khoảng 5-10 người đau khổ như thế. Có nhiều nguyên nhân gây sảy thai (ST), nhưng dưới đây chỉ xin nói đến những người bị ST , nhưng dưới đây chỉ xin nói đến những người bị ST tự nhiên liên tục từ ba lần trở lên và được gọi là ST thường xuyên.

Thế nào được gọi là ST liên tiếp?

ST là hiện tượng thai ra ngoài bụng mẹ một cách tự nhiên, không giữ lại được. ST liên tiếp (RPL: repeated pregnancy loss) chiếm tỷ lệ 0,5-1% phụ nữ mang thai. RPL được định nghĩa là ST 3 lần liên tiếp trước tuần thứ 20, hay cân nặng của thai chưa tới 1/2kg. RPL được chia ra làm 2 nhóm:

Nguyên phát: chưa lần nào sinh em bé sống trước đó.

Thứ phát: đã từng sinh tối thiểu thành công một em bé.

 Ảnh: corbis

Các nguyên nhân dẫn đến RPL

Di truyền: những bất thường nhiễm sắc thể của thai là nguyên nhân thường gặp nhất. Thực tế, khi xét nghiệm mô thai, các trường hợp ST trong 12 tuần lễ đầu, 60% có bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân dẫn đến ST dưới 3 tháng tuổi.

Bất thường về giải phẫu: (các bộ phận cơ thể), chia làm 2 nhóm:

Bẩm sinh: do những loại dị dạng tử cung như: tử cung 1 sừng, tử cung 2 sừng, tử cung có vách ngăn… Tỷ lệ thai sống 5-28%.

Mắc phải: do u xơ tử cung (41%), dính lòng tử cung vì nạo thai (5%), hở eo tử cung…

Nội tiết: do thể vàng (hoàng thể) yếu, không sản xuất đủ progesterone nuôi dưỡng thai. Do mẹ bị bệnh đái tháo đường, bệnh huyết áp... chiếm 25% trường hợp ST trong 3 tháng đầu.

Bất đồng nhóm máu mẹ và con: bất đồng nhóm máu Rh giữa mẹ và con sẽ dẫn đến tình trạng miễn dịch chống lại yếu tố Rh trong máu con và gây ST liên tiếp.

Nhiễm trùng, nhiễm khuẩn: phụ nữ nhiễm trùng urealyticu, mycoplasma hominil, ureaplasma có nguy cơ ST liên tục.

Nhiễm khuẩn tử cung khiến cho trứng không làm tổ được, hoặc nhiễm khuẩn toàn thân nặng ở người mẹ (virus cytomegalo, rubeole...) khi mang thai dẫn đến lây nhiễm cho thai. Nếu là do virus thì không có thuốc nào điều trị được.

Môi trường: rượu, thuốc lá… và một vài loại thuốc có liên quan đến RPL. Hóa trị liệu, tia xạ, khí gây mê, kim loại đã được chứng minh gây ST. Ngoài ra, nhiều loại thuốc dùng trong điều trị da liễu cũng là nguyên do.

Không rõ nguyên nhân: chiếm khoảng 50-60%.

Điều trị RPL

Phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, có thể phẫu thuật, điều trị hormone... Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân ST tương đối khó khăn và không phải lúc nào cũng thành công. Do đó, bạn nên khám sức khỏe trước khi lập gia đình, đến bác sĩ để khám và theo dõi ngay từ khi chưa có thai. Cả hai vợ chồng sẽ được tư vấn về những điều cần làm và cần đề phòng. Nếu có dấu hiệu mang thai, bạn cũng cần được bác sĩ theo dõi, hỗ trợ sớm và chỉ định những thuốc cần thiết. Nên có con trước tuổi 35 để hạn chế những bất thường trong nhiễm sắc thể phôi thai.

 Hở eo tử cung gây ST

Với những người ST nhiều lần, bác sĩ khuyên tránh lao động nặng, cho uống thuốc giữ thai loại progesterone, thuốc giảm co và khâu vòng cổ tử cung để phòng ST. Bên cạnh đó, tốt nhất là nên hạn chế thuốc lá và rượu. Nếu côngviệc liên quan đến những chất độc hại, bạn phải đảm bảo điều kiện bảo hộ lao động tốt nhất. Tránh tiếp xúc trực tiếp với chất độc.

Sau mỗi lần ST, nên dành thời gian nghỉ ngơi (ít nhất là 6 tháng) để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới nên có thai lại. Thời gian nghỉ ngơi này chính là lúc kiểm tra tìm nguyên nhân ST. Hiện tại, vẫn còn khoảng 50% các trường hợp RPL không thể điều trị do không rõ nguyên nhân. Và phương pháp điều trị tốt nhất là hỗ trợ về mặt tâm lý.

Một số món ăn phòng chống RPL

Món cháo nếp, đẳng sâm, đỗ trọng

Nguyên liệu: đẳng sâm 5-10g, đỗ trọng 6-12g, gạo nếp 100g.

Cách chế biến: cho đẳng sâm và đỗ trọng vào túi vải buộc miệng, rồi cho vào nồi cùng gạo nếp nấu nhừ thành cháo là ăn được.

Cách dùng: mỗi ngày ăn 2-3 lần, ăn trong thời kỳ mang thai ở 3 tháng đầu.

Canh hạt sen, trần bì, tô cảnh

Nguyên liệu: hạt sen 60g, tô cảnh 10g, trần bì 6g.

Cách chế biến: hạt sen bóc vỏ bỏ tâm cho vào nồi, đổ nước đun chín đến 4-5 phần thì cho tô cảnh, trần bì vào, đun tiếp đến khi hạt sen chín kỹ là ăn được.

Cách dùng: ăn ngày 1-2 lần, trong suốt thời kỳ mang thai 3 tháng đầu.

Canh trứng gà ngải cứu

Nguyên liệu: lá ngải cứu 50g, trứng gà 2 quả, đường trắng một ít.

Cách chế biến: lá ngải cứu cho nước vừa đủ ăn nấu canh, sau đập 2 quả trứng gà bỏ vào đun chín, cho tiếp đường trắng vào khuấy tan.

Cách dùng: hằng ngày uống trước khi đi ngủ, trong suốt thời kỳ mang thai 3 tháng đầu.

Dùng nước áo ngô (vỏ bắp)

Nguyên liệu: áo ngô lượng vừa đủ. Cách chế biến và sử dụng: hằng ngày dùng áo ngô sắc lấy nước uống liên tục, cho tới gần ngày ST lần trước thì tăng lượng áo ngô lên gấp đôi và như vậy uống tới khi sinh mới thôi.

Canh gà mái, mực ống

Nguyên liệu: gà mái 1 con 500-700g, làm thịt rửa sạch, mực ống 1 con, gạo nếp 90-150g.

Cách chế biến: làm thịt gà rửa sạch, cùng mực ống cho vào hầm nhừ, lấy nước canh đặc cho gạo nếp từ 90-150g nấu nhừ thành cháo, nêm đủ gia vị mắm muối vừa miệng.

Cách dùng: sau khi mang thai ăn bất cứ lúc nào, ăn thường xuyên, lượng không hạn chế cho đến khi quá thời gian thường ST thì ngừng ăn. Có thể ăn thịt gà và khô mực cũng được.

BS. Lê Khánh Vân

(BS. Lê Khánh Vân)